Thế nào là bức ảnh đẹp

Thế nào là bức ảnh đẹp

Khi xem một bức ảnh có người sẽ khen bức ảnh đẹp tuyệt, thậm chí còn trầm trồ nhưng nếu được hỏi tại sao khen đẹp thì ít người giải thích được. Ngược lại có người lại chê một ảnh nào đó xấu nhưng cũng không giải thích được tại sao là xấu. Thực ra, có thể một tấm ảnh đẹp với người này nhưng có thể xấu với người khác. Tuy vậy, cũng có một số tiêu chí đánh giá tấm ảnh mà chúng ta có thể dựa vào đó. Sau đây là cách mà chủ quan cá nhân tôi dùng để đánh giá trong ảnh nghệ thuật ( không bàn đến ảnh quảng cáo, ảnh báo chí, ảnh photo manipulation....) đó là ánh sáng, bố cục, màu sắc, độ tương phản, khoảnh khắc, nội dung, độ khó, tính sáng tạo, cách trình bày ảnh. Trong phạm vi bài viết này tôi tạm chọn ra một số tiêu chí để bàn, chúng ta có thể bàn tiếp một số tiêu chí khác nếu nhận được sự thích thú từ các bạn.

1. Ánh sáng trong ảnh như thế nào
Việc chụp ảnh được ví như là vẽ với ánh sáng, không có ánh sáng thì không thể chụp hình được nên nó đóng vai trò rất quan trọng. Thông thường chúng ta chia ánh sáng làm 3 loại khi chiếu lên chủ đề là thuận sáng, xiên sáng và ngược sáng. Xiên sáng và ngược sáng được đánh giá cao hơn thuận sáng do nó làm cho chủ đề nổi khối hơn. Trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật thì loại ánh sáng xiên và ngược được nhiều người áp dụng. Ngoài ra, những người sử dụng ánh sáng thuần thục có thể áp dụng cả 3 loại ánh sáng này cùng một lúc lên cùng một chủ đề. Việc thêm bớt ánh sáng (modify lighting ) bằng các đèn hay các thiết bị phụ trợ chỉ dùng trong ảnh nghệ thuật, ảnh quảng cáo... riêng ảnh báo chí thì nó không khuyến khích và cũng không nên dùng vì nó làm mất đi tính chân thật của không gian và sự kiện.

Ảnh 1: Ảnh kết hợp giữa ánh sáng tản để thấy đầy đủ chi tiết phía trước và ánh sáng nghịch phía sau để nổi gân lá.

2. Bố cục
Bố cục 1/3 luôn là bố cục mọi người chơi ảnh đều áp dụng trong giai đoạn đầu, dần dần sau đó sẽ tiến tới áp dụng những kiểu bố cục khác như: bố cục rèm, bố cục đường dẫn, bố cục hình trong hình, bố cục hình học... Mục đích của bố cục chung qui vẫn là làm nổi bật chủ đề thông qua việc tạo một hiệu ứng thị giác. Bố cục cũng giúp người chụp diễn tả ý của mình với người xem tốt hơn. Sau một thời gian tuân theo những quy tắc bố cục chuẩn nhiều người chụp thường tạo ra những bố cục phá cách nhưng dĩ nhiên phải làm sao để nổi bật chủ đề hay diễn ý tốt hơn, nếu không việc phá cách là phản tác dụng. Khi bạn đánh giá một bức ảnh đẹp hay xấu thì bố cục cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá.

Ảnh 2: Ảnh chụp một khu kiến trúc khu vực Hồ Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng với góc máy hướng lên cao tạo bố cục lạ.

3. Màu sắc
Đánh giá một tấm ảnh đẹp thì màu sắc trong ảnh dễ làm người xem khen hay chê nhất với những lời bình luận như: màu đẹp quá, màu buồn quá, màu hay quá.... nhưng phân tích kỹ thế nào là màu đẹp thì đó là vấn đề chính. Màu đẹp thường là do các màu trong ảnh phối hợp với nhau hài hòa và người xem ít nhất phải có một kiến thức căn bản về vòng tròn màu sắc (Color Wheel). Màu buồn hay màu vui là do việc các gam màu phối hợp với nhau để tạo ra tâm trạng cho ảnh. Màu hay là do người xử lý ảnh đã biết nâng giảm màu sắc và nhấn mạnh những chổ cần thiết. Sử dụng màu sắc trong ảnh giống như việc giáo viên đặt câu hỏi cho các học sinh trong lớp, nếu mọi người cùng giơ tay lên thì sẽ không thấy ai nổi bật nhưng chỉ một người giơ tay lên thì học sinh đó sẽ nổi bật. Người xử lý ảnh hay là người biết đặt câu hỏi hay.
Thế nào là bức ảnh đẹp
Ảnh 3: Ảnh chụp với cách chơi màu cùng tông

4. Khoảnh khắc
Khoảnh khắc luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu trong việc đánh giá giá trị của một bức ảnh báo chí và thể thao. Phân tích sâu sẽ có nhiều điều phải bàn cãi và ở đây như chúng ta đã thỏa thuận ở trên chúng ta chỉ bàn về ảnh nghệ thuật. Khoảnh khắc vẫn được đánh giá cao trong tiêu chí đánh giá ảnh nghệ thuật. Điểm khác biệt so với các loại ảnh báo chí và thể thao là ảnh nghệ thuật cho phép người xử lý ảnh có quyền can thiệp sâu vào bức ảnh. Ví dụ, khoảnh khắc thành công là khoảnh khắc đỉnh của chủ đề chính trong ảnh chuyển động, nó cũng là khoảnh khắc thể hiện được tính cách nhân vật trong ảnh chân dung hay là khoảnh khắc mưa sao băng trong ảnh phong cảnh và 10 năm mới xuất hiện một lần chẳng hạn...


Ảnh 4: Ảnh chụp với khoảnh khắc giờ ăn sáng.

5. Nội dung trong ảnh
Có 2 xu hướng chơi ảnh mọi người chơi ảnh nghệ thuật hướng tới là thể hiện đẹp và nội dung tốt. Xu hướng chơi thể hiện đẹp là tìm thấy vẻ đẹp thông qua màu sắc, ánh sáng, đường nét và cách này thường gặp ở cách chơi ảnh macro, ảnh tĩnh vật, ảnh phong cảnh... Xu hướng thứ hai là ảnh phải có nội dung nhân văn. Xu hướng này thường được ưa chuộng trong giới chơi ảnh nghệ thuật ở Việt nam. Điều này cũng dễ hiểu do các ảnh không có nội dung tốt thường sẽ bị loại do không đạt được tiêu chí cuộc thi. Việc chọn chơi xu hướng nào là quyền quyết định của mỗi người. Sức mạnh của hình ảnh là bằng một ngàn lời nói, do đó hãy làm sao cho người xem cảm nhận được thông điệp của bức ảnh chứ không nên chụp xong rồi lại phải viết thật nhiều chú thích để ép người xem suy nghĩ theo cách của mình.

Ảnh 5: Ảnh chụp và xử lý bằng Photoshop để mang cảm giác mùa thu lãng mạn cho ảnh.

Thế nào là bức ảnh đẹp by st

0 nhận xét:

Đăng nhận xét